Phương pháp sấy cà phê nguyên quả tươi

Ngày đăng: 27-06-2016
Phương pháp sấy cà phê nguyên quả tươi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Cà phê quả hái về cứ để vậy và phơi trên sân cho đến khi khô
Ưu điềm:
* Không tốn công xay tươi, cà phê ít bị đen nếu lỡ có gặp mưa (nhưng cũng không chống chọi với thời tiết mưa kéo dài)
* Nếu được phơi trên sân có khả năng rút nước tốt khả năng bị đen do gặp mưa là thấp hơn so với xay dập ra rồi phơi.

Nhược điểm:
* Thời gian phơi kéo dài, rất tốn công bảo vệ và cày đảo
* Càng kéo dài thời gian nằm trên sân thì càng có nguy cơ gặp mưa, mỗi lần nhiểm nước mưa lại phải tốn thêm vài ba ngày cho việc cày đảo phơi khô.
* Nguy cơ thất thoát cao do bị trộm và nước mưa đẩy trôi tại những vùng dốc.
* Khi gặp đợt được giá thì cũng chưa kịp khô để bán, chờ đến khi khô thì cà phê đã có tràn lan.

Công nhân đảo cà phê trên lò sấy tĩnh
Công nhân đảo cà phê trên lò sấy tĩnh
Xay dập ra để phơi cho nhanh khô
Ưu điềm:
* Nhanh khô, chỉ cần 3 nắng nếu có nắng tốt cho nên khắc phục được những nhược điểm của phơi nguyên quả.

Nhược điểm:
* Nếu không may mà trúng mưa chỉ một lần thì nguy cơ làm cho cà phê bị đen là rất lớn.
* Đòi hỏi sau khi xay dập ra rồi thì phải có nắng để phơi, nếu không thì mốc rất nhanh.
Phương pháp sấy nguyên cả quả
Để khắc phục những nhược điểm và phát huy ưu điểm của cả hai phương pháp nêu trên, chúng tôi xin đề xuất với bà con Nông dân hai phương pháp sấy nguyên cả quả.
Nếu phải chọn một trong hai hướng đầu tư là làm sân phơi hay máy sấy, chúng tôi đề nghị nên đầu tư cho máy sấy vì rõ ràng là máy sấy không bị phụ thuộc vào trời, thời gian sấy cà phê quả chỉ trong vòng 12-16 tiếng/mẻ, dùng nguyên liệu đốt chính là vỏ cà phê khô xay ra, hoặc than đá. Hiện nay có hai phương pháp sấy nguyên cả quả với những số liệu như sau:

1- Lò Sấy tĩnh (phù hợp với phần lớn bà con Nông dân)
Lò sấy tĩnh có sức chứa 150-200kg cà phê quả tươi/met vuông, đốt bằng vỏ cà phê, lượng vỏ cà phê xay ra vừa đủ để đốt sấy cho chính một lượng quả tương đương.

Sử dụng vỏ cả phê để đốt lò
Công nhân đảo cà phê trên lò sấy tĩnh
Quạt thổi phải sử dụng loại có cấu trúc đặc biệt theo dòng quạt loại ly tâm, có khả năng thổi xuyên hơi nóng ở mức 100- 120 độ C qua lỗ lưới của sấy tĩnh, chúng tôi đã thấy một số bà con sử dụng loại quạt hướng trục trong trường hợp này là không đúng vì quạt hướng trục có hệ số nén rất thấp sẽ không đạt được hiệu quả như ý.
Động cơ để kéo quạt có thể sử dụng motor hay máy nổ tùy điều kiện thực tế.
Nhược điểm của lò sấy tĩnh là bà con phải chịu khó đảo bằng tay, khoảng 2-3 tiếng phải đảo một lần, tuy nhiên chỉ sau 12-16 tiếng đồng hồ là cà phê đã khô đạt mức không thể hư hỏng hay đen được nữa.
Làm khung lưới cho lò sấy tĩnh thì ở đâu có cơ khí thì cũng đều làm được, vấn đề là chọn đúng mắc lưới sấy, khung lưới phải chắc chắn để sử dụng được lâu dài.
Một điều bà con cần lưu ý: vì là lò đốt trực tiếp cho nên chỉ dùng vỏ cà phê để sấy nguyên quả, không dùng vỏ cà phê để sấy cà phê nhân sẽ khiến cho cà phê nhân bị hôi khói, muốn sấy cà phê nhân bằng lò đốt trực tiếp thì phải đốt bằng than đá.
Tùy mỗi hoàn cảnh của bà con Nông dân mà nên chọn xây kích thước lưới sấy tĩnh và lò đốt như thế nào cho tiết kiệm và phù hợp, để đặt câu hỏi với chúng tôi bà con có thể tham gia vào Diễn đàn để gởi ý kiến.

2- Máy Sấy Trống (Drum Dryer)
Nhược điểm duy nhất của máy sấy trống là tiền đầu tư đắt hơn sấy tĩnh, còn ngoài ra máy sấy trống có rất nhiều ưu điểm khác như sau:
* Sấy không cần người đảo
* Sấy được cà phê quả, cà phê thóc, cà phê nhân
* Chất lượng sấy rất đều, không phụ thuộc vào tay nghề đảo của công nhân
Vấn đề sấy nguyên cả quả đối với máy sấy trống rất đơn giản, chỉ cần đổ cà phê vào và cho đốt lò rồi cho chạy máy sấy, thời gian sấy cũng tương đương với sấy tĩnh.
(Sưu tầm)